Tuesday, January 30, 2018

Du Tử Lê: CHỈ DẤU VƯỢT QUA "BIÊN ĐỘ" TÌNH CA CỦA MAI HOÀI THU - DU TỬ LÊ

CHỈ DẤU VƯỢT QUA "BIÊN ĐỘ" TÌNH CA CỦA MAI HOÀI THU
DU TỬ LÊ
Nhạc sĩ Mai Hoài Thu

(dutule.com) Ngày 26 tháng 10- 2016: Ở hải ngoại, chúng ta không có nhiều nữ nhạc sĩ; trong nước cũng vậy. Ngược lại, càng ngày chúng ta càng có nhiều nam nhạc sĩ. Nhưng trong ghi nhận của tôi, dù nam hay nữ, đa số các nhạc sĩ của chúng ta chỉ xuất sắc trong lãnh vực tình ca. Trừ một số nhạc sĩ mà, tài năng của họ đã vượt khỏi “biên-độ” tình ca, như Văn Cao,Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Trịnh Công Sơn, Anh Bằng…,  phần nhiều các nhạc sĩ, khi ra khỏi “lãnh địa” tình ca, bước tới những thể tài khác, như đất nước, đấu tranh… thì “phần thưởng” dành cho họ tại cuối đường là hai chữ “thất-bại”.

Tới nay, dường như chưa một nhà nghiên cứu nhạc Việt nào, đề cập, giải mã hiện tượng đáng lưu ý này.

Tuy nhiên, trong hiểu biết giới hạn của tôi, gần đây, tôi thấy có  nữ nhạc sĩ Mai Hoài Thu (tên thật) đã bước qua được vạch phấn…“mặc nhiên” kia.

Hơn một năm trước đây, trong số những ca khúc phổ từ thơ của nhà văn Đỗ Vẫn Trọn, do ông gửi cho, tôi có chú ý một số tình khúc mà, người phổ nhạc là Mai Hoài Thu (một cái tên xa lạ với tôi). Nhưng khi lắng nghe, tôi cảm nhận được sự dịu dàng, như những tiếng vỗ đập êm đềm của sóng. Như tiếng nắng-mưa-chia lìa. Tiếng thở dài nén lại trong thơ Đỗ… Khi được chuyển qua giai điệu mang tên Mai Hoài Thu, chúng khá trung thực.

Không quen biết, cũng chưa từng nghe tên Mai Hoài Thu, tôi không có một hình dung nào, về người nữ nhạc sĩ này. Tôi cũng không thể hỏi thăm Đỗ Vẫn Trọn về cô. Bởi khi đó, chính Đỗ cũng chưa từng gặp gỡ, trao đổi…

Tới một ngày kia, cũng từ Đỗ Vẫn Trọn, tôi được nghe ca khúc “Tìm Nhau Trong Xa Vội” - - Tựa đề bài thơ và ca khúc, lập tức đem lại cho tôi kết luận: Thêm một tình ca trong số những tình khúc đi ra từ thơ Đỗ, của Mai Hoài Thu (như một số tình ca của nhạc sĩ Nguyên Nhu…, cũng cất cánh từ thơ Đỗ Vẫn Trọn). Nhưng tôi lầm!.!

Qua tiếng hát Tuấn Anh, ngay phân khúc đầu ca khúc “Tìm Nhau Trong Xa Vội”, đã cho tôi một Mai Hoài Thu khác. Một Mai Hoài Thu vượt qua được biên độ tình ca. 

Những cảm thức đổ vỡ, đoạn lìa trong “Tìm Nhau Trong Xa Vội” tuồng chỉ như một phông, nền mờ nhạt - để những đau đớn, ưu uất về một hoàn cảnh đất nước, kiếp người bật lên, sáng rỡ tiếng lòng hay, tâm bão của tình yêu tổ quốc, quê hương - - Một thứ tình yêu vượt khỏi tố chất tình cảm đôi lứa. Nó cuồn cuồn day dứt. Nó lồng lộng tâm cảnh buốt, xót của một cá nhân. Nhưng nó lại mở được cánh cửa thân phận hay, mẫu số tâm thức chung của một lớp người, thuộc giai đoạn lịch sử hiện đại.

Điều đáng nói với tôi, nếu không có giai điệu mang tên Mai Hoài Thu, rất thẳng thắn, tôi không nghĩ, tôi có thể có được cảm thức nhói lòng, như vừa kể.

Nghe xong, lần thứ hai, tôi điện thư cho Đỗ Vẫn Trọn, đại ý, nếu “Tìm Nhau Trong Xa Vội” được phổ biến đúng mức (với tiếng hát Tuấn Anh), tôi nghĩ ca khúc này sẽ trở thành một “Đêm Nguyện Cầu” thứ hai, sau trên dưới nửa thế kỷ của “Đêm Nguyện Cầu” thứ nhất, sáng tác của Lê-Minh-Bằng. (*) 

Nếu tôi nhớ không lầm thì, người đầu tiên trình bày ca khúc ấy là Trung Chỉnh. Khi ca sĩ này còn là sinh viên y khoa (?) 

Chính vì được nghe “Tìm Nhau Trong Xa Vội”, thơ Đỗ Vẫn Trọn, nhạc Mai Hoài Thu, tôi mới có ý tìm hiểu nhân thân của người nữ ca sĩ xa, lạ đó.

Qua một người bạn cũ, nhạc sĩ Vĩnh Điện, (hiện cư ngụ tại tiểu bang Pennsylvania), tôi được biết:

- Mai Hoài Thu, tên thật, cũng là bút hiệu. Cô sinh năm 1967 tại Đông Hà, Quảng Trị, là  Giáo viên Văn, Trường PTTH Điểu Cải, Định Quán, Đồng Nai, Việt Nam; hiện định cư tại thành phố San Jose, California. 

- Mai Hoài Thu đã Tốt nghiệp BA ngành Social Work, Psychology… tại trường San Jose State University, California.

- Cô yêu thơ văn từ lúc còn đang học ở Tiểu Học. Bắt đầu làm thơ, viết văn từ lúc còn đang ở Trung Học.

- Mai Hoài Thu tự học nhạc nhiều năm và bắt đầu viết nhạc khoảng vài năm nay; được bạn bè đón nhận và nhiệt tình ủng hộ nên đã tiếp tục sáng tác nhạc như một thú tiêu khiển. Bên cạnh đó, cô vẫn tiếp tục học hỏi các nhạc sĩ tiền bối; tham khảo thêm nhiều tài liệu, sách hướng dẫn "Phương Pháp Sáng Tác Ca Khúc" cũng như tìm hiểu trên mạng lưới internet toàn cầu…

- Tính đến nay (2015), Mai Hoài Thu đã sáng tác gần 150 ca khúc, trong đó, có thơ soạn thành ca khúc của hơn 40 nhà thơ.

Phát biểu về lãnh vực thơ phổ nhạc, Mai Hoài Thu cho biết:

 “… Phổ thơ là một niềm đam mê đầy xúc cảm, phần nhiều Mai Hoài Thu phổ theo ngẫu hứng không tuân theo một luật lệ khuôn mẫu nhất định. Có lẽ nhờ vậy mà thơ đã dẫn dắt tôi tìm đến những giai điệu tự nhiên, đột phá, lạ lùng!”

-  Thơ và nhạc của cô, đã được đăng tải trên nhiều Websites trong và ngoài nước.

* Về tác phẩm đã xuất bản, có thể kể vài tác phẩm tiêu biểu như:

- Thơ 5 (In chung với nhiều tác giả trong & ngoài nước - 2008)
- Hồn Điên, 2013 - Thơ Tình Mai Hoài Thu (Tuyển Tập Thơ & Nhạc)
- Sầu Lữ Thứ (Tập Thơ Đường, 2013)
Và những Album vốn là thơ soạn thành ca khúc, đã phát hành, như:
- Một Sớm Thu Về, thơ phổ nhạc 2009
- Chờ Tình, thơ phổ nhạc 2010
- Ta Ru Đời Hay Ta Ru Em, thơ phổ nhạc 2013
- Ngày Về, thơ phổ nhạc, 2013
v.v…

Để kết thúc bài giới thiệu ngắn này, chúng tôi xin mời bạn-đọc-thân-hữu  thưởng ngoạn bài viết của nhạc sĩ tên tuổi Vĩnh Điện, (người có trên dưới nửa thế kỷ nổi tiếng trong lãnh vực âm nhạc), về cõi-giới thi ca, âm nhạc Mai Hoài Thu. Ông là người mà tôi cho rằng, có thẩm quyền hơn bất cứ ai khác, nói về họ Mai:

“ Vĩnh Điện, về một nữ nhạc sĩ mới: Mai Hoài Thu"

“Cách đây mấy năm, khi mới vào sân chơi Facebook, tôi nhận thấy có một nhà thơ nữ có thơ được phổ nhạc khá nhiều. Đó là nhà thơ Mai Hoài Thu. Về sau, tôi cũng có phổ một số bài thơ của cô ấy; mà ca khúc tôi thích nhất là bản “NGÀY VỀ” (Ca sĩ Lệ Thu & Ngọc Quy trình bày).

 “Bẵng đi một thời gian khá lâu, bất ngờ nghe được trên một clip Youtube có lời khen ngợi của Thi sĩ Du Tử Lê về một bản nhạc mới, phổ thơ Đỗ Vẫn Trọn, ca khúc “TÌM NHAU TRONG XA VỘI” của một nữ nhạc sĩ mới có tên là Mai Hoài Thu. Quả thực bài hát do ca sĩ Tuấn Anh thể hiện, giai điệu rất hay và phương pháp khai triển cái hồn của bài thơ để làm thành bài hát gần gũi với cách thức phổ thơ của chính mình: Phóng túng, không gò bó trong khuôn khổ quen thuộc, gần như là định sẵn của một ca khúc và nhất là hầu như giữ y nguyên tác của bài thơ. Để làm được điều nầy quả thực không dễ, nếu không có một số kiến thức và kỹ thuật sáng tác, ngoài tài thiên phú, nhất là bắt đúng được cái hồn và giai điệu tiềm ẩn trong bài thơ…

 “Vậy là từ một người làm thơ, Mai Hoài Thu đã bước sang lãnh vực sáng tác nhạc và trong một thời gian ngắn đã viết được và cho thu âm một số lượng ca khúc đáng nể; từ cả lời và nhạc, phổ thơ của mình cũng như phổ thơ các tác giả khác. Đặc biệt có bài thơ rất ngắn, nhưng lại được tác giả làm thành một ca khúc thật hay với sáng kiến lập lại nguyên một đoạn thơ, với cao độ khác nhau, được bố trí thích hợp, làm cho người nghe tưởng như có một đoạn thơ hoàn toàn khác với đoạn trước. Đó là ca khúc “SỢ EM GIẬN” (thơ: Đỗ Vẫn Trọn – Ca sĩ Ý Lan hát).

 “Lướt qua một số ca khúc Mai Hoài Thu, ngoài những cái hay mà người nghe dễ dàng cảm nhận được, tôi nhận thấy có cả sự khiếm khuyết của một người làm nhạc chỉ dựa vào thiên phú, mà thiếu vắng đầu tư về vốn nhạc. Điều nầy, có cái hay là vì không bị gò bó vào kỹ thuật, nên bài hát dễ đi một cách suôn sẻ vào lòng người nghe. Mặt khác, lại là một trở ngại nếu người nhạc sĩ muốn đi tiếp nữa, vượt qua khỏi ranh giới của một người viết tiểu khúc; nhằm cống hiến và đóng góp vào nền âm nhạc Việt đang dần phân hoá và dù số lượng quá nhiều, nhưng chất lượng thì lại rất ít ỏi.

“Với sự quan tâm của một người đi trước và lòng quý mến dành cho một người trẻ, lại là phái nữ đang đắm mình rong chơi trong cõi nhạc, mong Mai Hoài Thu cố gắng hơn nữa, chịu khó học hỏi các bậc đàn anh, đàn chị, đầu tư thêm kiến thức âm nhạc, để cống hiến cho đời nhiều ca khúc hay và có giá trị thật sự. Cũng được biết người nữ nhạc sĩ nầy có giọng ca rất khá, nhưng thiếu tự tin. Hãy khắc phục và cố gắng trau dồi để một ngày nào đó, tự trình diễn tác phẩm của mình trong các chương trình chủ đề “Tình ca Mai Hoài Thu”. Mong lắm!

“Vĩnh Điện”.
__________

(*) Bút hiệu Lê-Minh-Bằng, viết tắt tên của 3 nhạc sĩ Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng. Ca khúc “Đêm Nguyện Cầu”, theo trang mạng Wikipedia-Mở,  cũng là sáng tác chung, đầu tiên của nhóm 3 nhạc sĩ nổi tiếng này.

4. Nguồn website: http://www.vienthao.com/audio/chi-dau-vuot-qua-bien-do-tinh-ca-cua-mai-hoai-thu.mp3

* Bài nhận định của Nhà thơ Du Tử Lê (dutule.com) được phát đi trên Hệ Thống Truyền Thông Viên Thao với giọng đọc của xướng ngôn viên Vân Yến.

No comments:

Post a Comment